5 NĂM NỮA MÌNH SẼ LÀM ĐƯỢC GÌ?
Chào buổi sáng bạn của mình, độc giả chuỗi bài “TGIF vui quá nay thứ 6!” mà mình sẽ viết và chia sẻ liên tục trong 9 tuần tiếp theo, vào thứ 6 hằng tuần.
Sau đây là một số tin nhắn về phần lớn những gì đã và đang diễn ra trong cuộc sống của mình hiện tại, mà mấy khi đọc lại vẫn làm mình cười vui:
Cách đây vài tuần, mình lại đụng phải câu hỏi này, “5 năm nữa mình sẽ làm được gì?” trong một ngữ cảnh mà mình thật sự cũng không nhớ rõ để kể lại. Đại khái mình đã lịch sự cho qua và rồi dành mấy ngày liên tục sau đó để contemplate (tự vấn) bản thân.
Bởi vì mình không thường hoạch định ra một kế hoạch, một mục tiêu hay bất kỳ điều gì đó dài hạn với mình mà thường là quá đỗi 2 năm. Nghe có vẻ như mình sống không mục đích, nhưng kỳ thực mình thấy rất khó để mô tả một điều gì đó vô hình chỉ với vài con chữ. Vậy nên khi được hỏi những câu hỏi như thế, mình hay chọn cách lịch sự cho qua.
Vì mình không muốn trả lời sơ sài với bất kỳ ai về mục tiêu hay mục đích của cuộc đời mình.
Để trả lời được câu hỏi này, mình nghĩ, chúng ta cần học rất kỹ hai bài học. Bài học đầu tiên là cách phân biệt mục đích và mục tiêu. Bài học thứ hai là cách tìm ra mục đích và đặt mục tiêu. Trong bài viết ngày hôm nay, mình xin phép chia sẻ chiêm nghiệm của chính mình về bài học đầu tiên và một nửa bài học thứ hai. Và mình mong bạn sẽ đón nhận quan điểm của mình một cách cởi mở.
Khi viết bài viết này, mình đã phải hỏi Google mục đích và mục tiêu khác gì nhau. Vì mình cũng chỉ nhớ đại khái một cái là end game, một cái là milestones along the way. Mình xin phép trích nguồn từ PACE để bạn có một cơ sở nhằm tiếp tục tìm hiểu:
Mục tiêu là một kết quả cụ thể mà một người, một nhóm người hay một tổ chức mong muốn đạt được. Mục tiêu thường được thiết lập trong một khoảng thời gian nhất định, có thể liên quan đến bất kỳ lĩnh vực nào trong cuộc sống, chẳng hạn như sự nghiệp, tài chính, sức khỏe, giáo dục hoặc các mối quan hệ cá nhân. [...]
Mục đích là một khái niệm trừu tượng, đề cập đến động lực hành động, thể hiện lý trí, đạo đức, trách nhiệm và niềm tin của một cá nhân hoặc tổ chức. [...] Với mục đích, con người được thúc đẩy từ bên trong, sẵn sàng đối mặt với thách thức và vượt qua những khó khăn để thực hiện. Mục đích mơ hồ và có thể không đo lường được, không đạt được, nhưng nó là yếu tố cốt lõi để tạo ra mục tiêu.
À rồi mình nhớ rồi, mục đích của cuộc đời một con người là rất đỗi vĩ mô, như kiểu một bức tranh lớn mà có khi bước lùi lại cả chục thước vẫn không nhìn thấy được hết ấy. Nhưng chúng ta vẫn biết là có thể tồn tại một bức tranh lớn như vậy, và mình thấy đó là điểm hay ho của cuộc đời.
Còn mục tiêu thì mình hay liên đới như sau: Đích đến của mình là Hà Nội, và trong vốn hiểu biết của mình, mình có thể đi đến Hà Nội từ TP.HCM bằng các phương tiện như máy bay, tàu lửa hoặc xe máy. Trên chặng đường đó, với hành lý và bản đồ, mình dừng lại nơi này, nơi kia, làm này, làm nọ, đôi khi khám phá ra một số thứ hay ho khiến mình chuyển hướng hoặc thậm chí thay đổi đích đến...
Tất cả những điều này diễn ra khi mình ngày càng tiến gần hơn đến Hà Nội, và mình biết mình còn nhiều đích đến khác tương tự Hà Nội.
📍 Sau đây, mình hướng dẫn bạn một bài tập đặt mục tiêu mình tự nghĩ ra (không biết có trùng với phương pháp hay mô hình nào không). Bạn hãy thử:
Thay đổi “Hà Nội” thành “một mục tiêu cao cả” nào đó trong cuộc đời bạn (liên quan đến sự nghiệp, tài chính, mối quan hệ cá nhân...)
Thay đổi các “phương tiện như máy bay, tàu lửa hoặc xe máy”, “hành lý”, “bản đồ” thành các “nguồn tài nguyên cần thiết” mà bạn có hoặc đang thiếu, để đi đến mục tiêu mà bạn đề ra
Nhìn nhận các điểm dừng, các sự kiện, các cột mốc… có tác động đến bạn trên hành trình là để bạn gặt hái hoặc vỡ lẽ ra một điều gì đó
Vậy là bạn đã (1) đặt ra được một mục tiêu, (2) mường tượng một số cách thức để thực hiện, (3) trang bị tâm thế sẽ có nhiều thứ diễn ra trên hành trình này và bạn chắc chắn sẽ học được gì đó (lesson learned) khi bạn tiến gần hơn đến mục tiêu của mình, thậm chí là khi mục tiêu của bạn thay đổi.
Vậy thì, 5 năm nữa, cụ thể là khi mình 33 tuổi (ồ một con số cũng đẹp), mình sẽ làm được gì?
Mình không chắc, nhưng với những gì đang tiếp diễn ở hiện tại thì mình tự đánh giá là:
Mình vẫn sẽ viết (kịch bản, blog, thơ)
Mình vẫn sẽ làm phim (ngoài việc viết kịch bản, có một số vai trò khác mình muốn được thử sức)
Mình có thể sẽ có một cách tiếp cận khác dành cho học trò của mình với bộ môn piano
Mình có thể sẽ ở một vị trí cao hơn trong môi trường làm việc hiện tại. Đây là môi trường làm việc đầu tiên khiến mình cảm thấy muốn gắn bó càng lâu càng tốt vì:
Quá nhiều tiềm năng và quá nhiều cơ hội để phát triển (dành cho mình lẫn doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp)
Sự lành mạnh giữa sếp-đồng nghiệp và đồng nghiệp-đồng nghiệp
Sự thay đổi trong quan điểm của chính mình: mình muốn có sự ổn định trong công việc toàn thời gian để yên tâm nuôi dưỡng đam mê và xây dựng gia đình nhỏ
Cuối cùng, một kết quả tiếp nối từ 4., mình có thể sẽ dư dả chút đỉnh về mặt vật chất (như mình từng chia sẻ, tiền bạc là một yếu tố rất rất rất cần thiết trong cuộc sống của mình)
Tất cả những điều này khiến mình cảm thấy mình là một cá thể vẫn còn sống giữa một thế gian rộng lớn.
💡Gợi ý bài viết liên quan đến chủ đề hôm nay: Không có (khi nào có mình sẽ cập nhật ở phần bình luận)
Mình xem, nghe và đọc gì tuần này?
🎞️ Xem: Không có (khi nào có mình sẽ cập nhật ở phần bình luận).
🎧 Nghe “THU HOÀI” trong Công diễn 3 chương trình Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai và “'thu hoài'” của Hoài Thanh & 14 Casper.
📖 Đọc “The Humans”. Mình ngồi cười khùng khục ở cà phê Highlands bởi vì this is simply wittedly gorgeous. Mình sẽ viết một bài viết về quyển sách này sau khi đọc xong.
Hẹn gặp bạn vào thứ 6 tuần sau.