“LÀM SAO ĐỂ ĐỒNG TIỀN MÌNH KIẾM RA ĐI ĐƯỢC XA NHẤT?” (PHẦN 1)
Chào buổi sáng bạn của mình, độc giả chuỗi bài “TGIF vui quá nay thứ 6!” mà mình sẽ viết và chia sẻ liên tục trong 11 tuần tiếp theo, vào thứ 6 hằng tuần.
(Tiêu đề mình trích từ vlog trên kênh The Present Writer của chị Chi Nguyễn)
Đây là phần đầu tiên trong các bài viết xoay quanh chủ đề tài chính cá nhân, nói về 3 quan điểm mình đã hình thành về tài chính, hay tiền bạc, từ khi mình làm ra những đồng tiền đầu tiên từ công việc đầu tiên vào mùa hè năm 2014, lúc mình 18 tuổi.
Một lưu ý quan trọng đó là mình không phải chuyên gia về tài chính cá nhân, không học bài bản về tài chính cá nhân, chưa tìm hiểu quá nhiều về tài chính cá nhân và chưa có một thành tựu mình tự đánh giá là đáng kể nào về tài chính cá nhân. Bài viết này được viết đơn thuần dựa trên trải nghiệm của chính mình trong hành trình trở thành một người giàu có - bằng cách giải phóng bản thân khỏi sự ràng buộc và lệ thuộc vào tiền bạc.
Mình có suy nghĩ này trước khi mình nghe đến cụm từ “tự do tài chính”. Và dù đã nghe đi nghe lại podcast trên kênh Hieu Nguyen (của anh Hieu TV) lẫn vlog trên kênh The Present Writer (của chị Chi Nguyễn) về chủ đề này, nhưng sự thật là mình vẫn chưa thẩm thấu nổi. Thôi thì, khi nào mình thẩm thấu nổi, mình sẽ viết một bài khác nhé.
Vì vậy, các độc giả của mình ơi, nếu bạn có nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm, kỹ năng và kiến thức về lĩnh vực này, và muốn chia sẻ với mình, hoặc muốn phản biện lại các luận điểm trong bài viết này, tin mình đi là mình rất vui lòng đón nhận.
Dưới đây là 3 quan điểm của mình về tiền bạc. Mình sẽ tiếp tục sử dụng từ “tiền bạc” xuyên suốt bài viết này vì mình thấy từ “tiền bạc” phù hợp trong ngữ cảnh mà mình chia sẻ. Mình nghĩ, cách nhìn nhận của bản thân về tiền bạc là một bàn đạp quan trọng trong việc xác định và đặt ra các mục tiêu liên quan đến tiền bạc trong cuộc sống.
Không cho bạn mượn tiền thì mất bạn, còn cho bạn mượn tiền thì mất cả bạn lẫn tiền
Chuyển đổi tư tưởng từ “tăng thu giảm chi” sang “tăng thu vững chi”
Tiền bạc không phải là tất cả, nhưng tiền bạc là một yếu tố rất rất rất cần thiết trong cuộc sống
🙅🏻♀️ 1. Không cho bạn mượn tiền thì mất bạn, còn cho bạn mượn tiền thì mất cả bạn lẫn tiền
Cách đây 7 năm, mình từng cho một người bạn không quá thân thiết nhưng tiếp xúc vừa đủ để mình tin tưởng, mượn khoảng 2 triệu đồng với lời hứa sẽ trả lại đúng hẹn. Một số tiền với mình bây giờ không quá khó khăn để làm ra, cũng không quá nhiều nhặng để tiêu xài, nhưng ở thời điểm đó, số tiền ấy tương đương chi phí sinh hoạt cá nhân của mình trong gần một tháng, sau khi mình đã trích ra các khoản để phụ giúp gia đình.
Mình không liên lạc được với người bạn đó sau khi người bạn đó nhận tiền mặt từ mình, cũng như về sau mình mới biết, không chỉ một mình mình là người bị người bạn đó thất hứa.
Mình đã từng dày vò bản thân rằng vì sao người bạn đó có thể nhẫn tâm cuỗm mất số tiền khó khăn lắm mình mới làm ra được. Một thời gian dài về sau khi thu nhập của mình tiến triển, mình đã ngừng tìm kiếm lý do để lý giải cho hành động của người bạn đó, cũng như luôn tự nhắc nhở bản thân sẽ không liên quan gì đến người bạn đó nếu có gặp lại, dưới bất kỳ hình thức nào.
Mình có hơi cực đoan không nhỉ? Nhưng sự kiện năm ấy thực sự tác động mạnh mẽ đến cách mình nhìn nhận về tiền bạc, và thiết lập nên quan điểm đầu tiên này của mình về tiền bạc. Không chỉ vì mình bị hụt thu, hụt chi, mà tiền bạc còn ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ của mình với những người mình xem là bạn bè xung quanh.
Ở thời điểm hiện tại, có duy nhất hai người bạn mà mình sẽ cân nhắc cho họ mượn nếu họ ngỏ ý muốn mượn mình, cũng như mình biết và tin là họ sẽ sẵn sàng cho mình mượn nếu như mình ngỏ ý muốn mượn họ:
Một người bạn mình để ý và biết được thu nhập của bạn luôn cao hơn mình từ khi mình biết bạn cho đến hiện tại, cũng như kinh nghiệm của bạn trong lĩnh vực tài chính thật sự dày dặn (thành thật mà nói mình nghĩ bạn không có lý do gì để mượn mình).
Một người bạn mình để ý và biết được bạn luôn có một khoản tiết kiệm và bạn không ngại chia sẻ với mình về thu nhập của bạn (thành thật mà nói mình nghĩ bạn này cũng không có lý do gì để mượn mình luôn).
Nhưng mình vẫn cân nhắc cho hai người bạn này mượn, bởi vì:
Mình biết rõ tính cách của họ vì mình và họ rất thân thiết, đã cùng dành thời gian và công sức để xây dựng và vun đắp cho mối quan hệ bạn bè này, đã chứng kiến và ở bên nhau khi đối phương trải qua nhiều biến động trong cuộc sống.
Mình biết rõ khả năng chi trả của họ cho các khoản vay mượn nếu họ có vay mượn.
Mình tin họ vì mình biết, nếu rơi vào tình huống ngược lại, họ cũng sẽ hành xử như mình và tin mình.
Nếu bạn đang ở trong tình huống tương tự và bối rối về cách xử trí, mình hi vọng ba yếu tố này sẽ giúp bạn đánh giá tình huống một cách khách quan.
⚖️ 2. Chuyển đổi tư tưởng từ “tăng thu giảm chi” sang “tăng thu vững chi”
“Tăng thu giảm chi” là một trong những cụm từ mình nghe không biết bao nhiêu lần khi tìm hiểu về tài chính nói chung, tài chính cá nhân nói riêng. Mình từng nhìn chăm chăm vào biểu bảng theo dõi chi tiêu cá nhân, vò đầu bứt tai, căng thẳng tột độ tìm cách cắt giảm những chi tiêu không cần thiết. Mình cũng từng chất vấn bản thân liên tục và nhận làm thêm job (công việc ngoài giờ) để gia tăng nguồn thu nhập đến nỗi không quản lý được thời gian, chất lượng và nhất là bản thân. Cuối cùng cũng chẳng đâu vào đâu.
Cho đến một dạo mình lướt Instagram và vô tình bắt gặp kênh Ngọc Finance. Đây là kênh nội dung về tài chính đầu tiên trên mạng xã hội mình chủ động theo dõi, đón đọc, hiểu được và mong chờ những nội dung mà kênh chia sẻ. Đâu đó trong lúc theo dõi kênh Ngọc Finance, mình đã bắt gặp một kiến thức mới với mình, đó là: thay vì cố gắng cắt giảm chi tiêu, hãy cố gắng giữ vững chi tiêu rồi đa dạng hóa nguồn thu nhập. Đây là cách duy nhất để chúng ta nâng cấp khoản tiết kiệm và đầu tư.
Mình như được khai sáng và đã thay đổi hoàn toàn tư tưởng về việc cắt giảm chi tiêu. Mình không đặt nặng việc cắt giảm chi tiêu, thay vào đó, mình hướng đến việc thực hành một thói quen chi tiêu mà dù thu nhập của mình có gấp bao nhiêu lần đi chăng nữa, thì thói quen chi tiêu của mình cũng chỉ dừng lại ở mức đó mà thôi.
Đây phải nói, là một quan điểm, một bài học, một thực hành sáng suốt và đáng giá nhất trong suốt hành trình làm bạn với tài chính cá nhân của mình cho đến hiện tại.
💵 3. Tiền bạc không phải là tất cả, nhưng tiền bạc là một yếu tố rất rất rất cần thiết trong cuộc sống
Gia đình của mình không nghèo như cách bạn hiểu, nhưng chắc chắn cũng không khá giả như cách bạn hình dung. Mình được bố mẹ nuôi nấng trong một môi trường có nhung có hoa, khi bố mẹ mình rất biết cách tạo điều kiện cho con cái phát triển, và mình vô cùng biết ơn về điều này. Chăm chỉ là hai từ mình sử dụng để miêu tả về bố mẹ mình khi họ làm công việc của họ. Mình tin là nhờ sự chăm chỉ của bố mẹ, mình mới có được một khởi đầu may mắn.
Và vì vậy, mình đã không nhận ra được sự cần thiết của đồng tiền, cho đến khi mình nhìn thấy “crush” của mình năm cấp 2 - một người bạn rất thân với mình - để dành từng đồng tiền một để mua món đồ mà cậu cần, phục vụ sở thích âm nhạc của cậu. Hình ảnh vẻ mặt hoan hỉ của cậu khi cầm trong tay món đồ được mua bằng tiền để dành, tiền quà, tiền cậu kiếm được từ việc dạy kèm các em nhỏ đã in hằn trong đầu mình hết ba năm cấp 3, cho đến khi mình vừa học xong lớp 12, làm lễ ra trường chưa được bao lâu.
Khi các bạn cùng lớp người đi du học, người đậu vào trường đại học quốc gia, mình nộp đơn xin việc vào một trung tâm âm nhạc của chú chủ người Hoa và bắt đầu dạy những bài học piano theo giáo trình vỡ lòng cho các em nhỏ.
Lương tháng đầu tiên được mình sử dụng để mua bánh tráng trộn - món mình yêu thích - về ăn cùng với mẹ và em trai mình. Bố mình cũng ăn thử một miếng cho mình vui.
Sau này, khi mình mua được nhiều thứ mình muốn có giá trị cao hơn, học được nhiều kiến thức mình cần để phát triển trong công việc, có những trải nghiệm làm dày dặn vốn sống tinh thần của bản thân, có thời gian chất lượng bên cạnh những người mình yêu thương, hỗ trợ gia đình trang trải sinh hoạt bằng chính những đồng tiền mình làm ra, mình tin và thầm khẳng định một lần nữa với bản thân, rằng tiền bạc dù không phải là tất cả, nhưng là một yếu tố rất rất rất cần thiết trong cuộc sống này.
📍 Dưới đây là sơ đồ mình tóm tắt toàn bộ ý chính của bài viết trên FigJam:
Trong bài viết tiếp theo cùng chủ đề, mình sẽ viết về một thói quen mình đã rèn luyện từ tháng 11/2021 đến hiện tại: Theo dõi và ghi chép chi tiêu cá nhân - một thói quen mình ước mình đã nhận thức được và hình thành từ sớm hơn rất nhiều.
💡Gợi ý bài viết liên quan đến chủ đề hôm nay: 🤑 Tiền & Hạnh phúc (The Present Writer)
Mình xem, nghe và đọc gì tuần này?
🎞️ Xem “Phân bổ LƯƠNG THÁNG thế nào hiệu quả nhất? 💵”, một vlog trên kênh The Present Writer của chị Chi Nguyễn mình nhận thấy rất thiết thực dành cho mình - một người làm công ăn lương vẫn đang loay hoay tìm cách phân bổ lương tháng sao cho hiệu quả.
🎧 Nghe “Những Chuyến Tàu Mùa Hè (Vy Vy)” phiên bản piano. Mình cảm thấy Vy Vy như một viên ngọc thô và mình rất mong chờ hành trình âm nhạc của Vy Vy. Bạn có thể tìm nghe thêm các bản nhạc khác do Vy Vy trình bày, rất dễ chịu và dịu dàng. Mình đặc biệt thích bản “Về Miền Cỏ Hoa”.
📖 Đọc “Personal Finance 101: From Saving and Investing to Taxes and Loans, an Essential Primer on Personal Finance”, một quyển sách nhập môn về tài chính được giới thiệu trên kênh Ngọc Finance. Mình đọc bản tiếng Anh thì nhận thấy nội dung khá dễ hiểu.
Hẹn gặp bạn vào thứ 6 tuần sau.