ĐẤU TRƯỜNG SINH TỬ: KHÚC HÁT CỦA CHIM CA VÀ RẮN ĐỘC
Chào buổi sáng bạn của mình, độc giả chuỗi bài “TGIF vui quá nay thứ 6!” mà mình sẽ viết và chia sẻ liên tục trong 6 tuần tiếp theo, vào thứ 6 hằng tuần.
Theo dự tính của mình, “yêu cầu” từ đồng “write” Chloe và bài viết rất hay của bạn ấy về bộ phim này, mình sẽ viết về bộ phim này. Đây là một trong những bộ phim mình xem độ 1 đến 2 năm nay đổ lại mà mình rất thích, dù phim không nhận được đánh giá cao từ rạp chiếu lẫn giới phê bình.
Phần lớn bài viết này mình sẽ viết dưới góc độ của một người xem thuần túy, cố gắng đúc kết thật súc tích vì sao mình thích phần phim này đến vậy, và một chút chia sẻ mình học được từ bộ phim dưới góc độ của một người làm phim nghiệp dư.
Warning: Mình sẽ làm một việc mình không thường làm lắm, đó là tiết lộ nội dung phim bao gồm cả kết thúc của phim để dẫn chứng cho một số luận điểm mình nêu ra trong bài viết. Dù mình sẽ cố gắng tiết lộ càng ít chi tiết càng tốt, nhưng nếu bạn muốn có một trải nghiệm xem phim trọn vẹn, thì mình khuyến khích bạn hãy xem phim trước khi đọc tiếp bài viết của mình nhé.
Bộ phim là tiền truyện của series The Hunger Games, chuyển thể từ bộ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Suzanne Collins, được biết đến với tên tiếng Việt là Đấu Trường Sinh Tử. Nội dung của cả series diễn ra trong thế giới giả tưởng và phản địa đàng Panem, bao gồm Capitol - có vai trò như đầu não quyền lực, xa hoa, tráng lệ - và 13 quận trực thuộc.
Phần tiền truyện lấy cột mốc cách phần truyện chính 64 năm, tại đấu trường sinh tử lần thứ 10, khi nhân vật tổng thống Coriolanus Snow 18 tuổi. Nhằm khôi phục danh dự cho gia đình, Snow trở thành “mentor” cho vật tế, quyết tâm thể hiện xuất sắc vai trò của mình và giành lấy học bổng danh giá Plinth Prize (có thể hiểu nôm na là học bổng đại học toàn phần).
Cậu được bắt cặp với vật tế đến từ quận 12 - Lucy Gray - một nữ ca sĩ (mình hiểu là) hát rong. Vốn không phải cư dân của quận 12, gia đình Lucy Gray là một gánh hát có tên Covey, di chuyển và biểu diễn khắp nơi, cho đến quận 12 khi cuộc chiến của phiến quân xảy ra và phải ở lại.
Với một chút chiêu trò của Snow, song song với việc cả hai nảy sinh tình cảm nam nữ, Lucy trở thành người chiến thắng của đấu trường năm ấy. Ngoài lề thì đây là một đấu trường mình đánh giá “raw” khủng khiếp khi 24 vật tế bị nhốt vào lồng, không được ăn uống hay rèn luyện cho đến ngày “ra trận” tại một sân vận động bình thường như biết bao sân vận động, chỉ có điều tứ bề không lối thoát. Sau khi bị phát giác, Snow đi đày và trở thành lính canh của Capitol, dùng hết số tiền mà cậu có, “đổi công tác” sang quận 12 để ở gần Lucy.
Một câu chuyện tình yêu đơn thuần được bao bọc bởi giông bão của thời cuộc, lý tưởng và bản chất con người.
Về thời cuộc, mình nghĩ bạn có thể dễ dàng nhìn thấy: Một đất nước loạn lạc. Một cậu (khá) ấm có năng lực, vươn lên giành lại địa vị, trọng vọng và sự sung túc cho chính mình và gia đình.
Trong hành trình đó, cậu gặp một cô gái thuần khiết về niềm tin và tình cảm. Cả hai nảy sinh cảm xúc, bước ra khỏi đấu trường là hai kẻ chiến thắng, cùng trải qua một đoạn ngắn bình yên trước khi giông bão thật sự ập đến: Giông bão của lý tưởng khi một bên là quyền lực, địa vị, một bên là tự tại, ung dung.
Về bản chất con người, bạn hãy đọc bài viết của Chloe. Mình thấy bạn ấy có rất nhiều dẫn chứng hay, đủ để mình xuýt xoa trong lần đầu tiên đọc.
Bên dưới, mình sẽ chỉ nói về giông bão của thời cuộc và lý tưởng con người.
Mình vô tình nghe bản “Can’t Catch Me Now” ở studio của một người bạn cũ, về tìm nghe thì thấy là OST của phim, rồi mình xem. Vậy đó, khác với các phần phim trước mình đều đọc hết sách rồi mới xem, mình xem phần tiền truyện này khi không đọc hay lướt qua bất kỳ nội dung, đoạn cắt nào.
Sau khi xem phim, mình có tìm đọc và bắt gặp một số bình luận từ các trang review và YouTube nhận xét phần phim này tối tăm (dark) hơn ba phần phim trước, và mình thấy cũng đúng, dù không biết cách mình hiểu về sự tối tăm có giống với họ hay không. Mà thôi kệ, giống hay không không quan trọng, mình thấy hay là được.
Có hai lý do khiến mình thích phần tiền truyện này.
1. Kết thúc
Đây là điều khiến mình hài lòng và đánh giá cao phần tiền truyện cũng như thích nhất trong cả series. Một kết thúc thực tế dù đau lòng, mơ hồ và day dứt (vì mơ hồ nên day dứt). Mình đã tự đặt ra câu hỏi thế này: “Nếu mình là người viết, mình có viết một kết thúc khác hay không?” Câu trả lời mình có ngay tắp lự đó là không, vì mình biết mình có thể viết ra hàng tá kết thúc khác nhau cho phần tiền truyện này (hàng tá ý mình là đâu đó 10 thôi nha), nhưng sẽ không có kết thúc nào hay như kết thúc này, khiến mình cảm thấy thỏa mãn như kết thúc này, khiến phần tiền truyện này khác hẳn ba phần trước.
Không có một không khí hào hùng, hừng hực của sự kề vai sát cánh, trỗi dậy trả thù, giành lấy tự do nào, tất cả chỉ là một khoảng không mênh mang vô cùng tận, không đầu không cuối. Và mình rất thích khoảng không này bởi có những điểm chạm bình yên dù chỉ là tạm thời, mà khi không thể nào trở lại, dễ dàng tạo nên sự day dứt mãi mãi.
Như khi Lucy gối đầu lên người Snow bên bờ sông, dưới ánh mặt trời.
Cả hai như nằm trong mắt bão.
Trở lại ý tứ bên trên của mình một chút, trong một thế giới loạn lạc, khi việc nhốt con người lại với nhau để xem họ chém giết như một thú vui và được phát sóng trực tiếp trên cả nước, tình yêu đơn thuần liệu có tồn tại nổi?
Nếu cả hai nhân vật này gặp nhau trong một bối cảnh khác, mình thí dụ, cùng là mentor, hay cùng là vật tế (như Katniss và Peeta), đến từ cùng quận, khác quận, thậm chí gặp nhau đâu đó không phải trong đấu trường, thậm chí trong một thế giới chưa hoặc không có đấu trường, chắc chắn cả hai đã có thể có một kết cục khác, chứ không phải kết cục mơ hồ và day dứt này. Thời cuộc ý mình là vậy.
Nhưng gặp nhau rồi, ở bên nhau rồi, mà một người nhìn thấy cái này, một người nhìn thấy cái kia, thì… làm sao để ở bên nhau bây giờ? Ôi sao gõ ra câu này mình thấy sến quá. Ý mình là vậy đó, dù sao đây cũng là một câu chuyện tình yêu mà, bạn biết đó, khi cả hai không cùng nhìn về một hướng, thì khó lắm. Làm sao Snow có thể bỏ đi và sống tứ xứ cùng Lucy khi lòng cậu vẫn đau đáu về gia đình, về Capitol, về những gì cậu có thể giành lại và tiếp tục gầy dựng nên? Làm sao Lucy dám ở bên Snow dù là ở lại Panem đi chăng nữa khi cậu không thành thật được với cô về số người đã chết vì cậu?
Làm mình nhớ tới một cảnh trong bộ truyện Mặt Nạ Thủy Tinh, Masumi nói với vị hôn thê của anh rằng cả hai không hợp nhau vì khi nhìn ra ngoài cửa sổ, cô mải mê trước ánh đèn đô thị trong khi anh tìm kiếm vì sao trên trời. Lý tưởng ý mình là vầy.
2. Sự chuyển mình của nhân vật Snow
Mình có xu hướng thích những nhân vật hóa ác. Hmm, dùng từ “ác” có vẻ không bao hàm được hết, nói chung là theo chiều hướng tiêu cực, tha hóa. Như mình đã viết, thời cuộc (sự loạn lạc của đất nước đương thời), lý tưởng (quyền lực, địa vị) và bản chất góp phần làm Snow trở thành một tổng thống tàn bạo khét tiếng sau này,
mà cuộc gặp gỡ với Lucy Gray, tình yêu đầu đời năm 18 tuổi, một giấc mơ khi cả hai cùng đi khắp muôn nơi và sống đời tự do dưới ánh mặt trời cũng không cứu vãn nổi.
Ở góc độ một người làm phim nghiệp dư, bộ phim này với mình có thời lượng dài ngoằng, dù thời lượng chưa bao giờ là vấn đề quá to tát với mình, chí ít là ở thời điểm hiện tại dù mình cũng không ngồi lâu để xem nổi.
Bộ phim được chia thành từng phần nhỏ bên trong và có chạy chữ chú thích trên màn hình, y như cách báo hiệu một chương sách mới, làm mình có cảm giác nhà làm phim đang cố gắng chuyển thể sát với sách hết mức có thể, đến nỗi dài quá không biết phải làm sao. Trộm vía các yếu tố khác đều dung hòa, vì vậy có thể du di cho thời lượng lần này. Mình dán chặt mắt vào màn hình máy tính, nằm dài trên giường hơn hai tiếng rưỡi để xem phim và rút ra được một bài học rằng:
Muốn truyền tải một nội dung tốt, cần có một thời lượng phù hợp.
Một chút lời bình về nhạc phim: Âm nhạc trong phần tiền truyện này là một điểm sáng. Ban đầu mình thích bản The Hanging Tree vì giai điệu và sự ma mị. Xem xong phần tiền truyện này và biết được nguồn gốc của bài hát ôi thôi... lại càng thích hơn. Mình tự hỏi (như bao người đã xem và để lại bình luận ở các bài review hoặc YouTube) không biết nhân vật Snow đã cảm thấy gì khi nghe Katniss cất lên lời bài hát.
Bên dưới là một số bản mình rất thích trong phim bạn có thể nghe thử:
Ôi mình mãi chèo thuyền này… Toàn bộ hình ảnh mình sử dụng lấy từ shotdeck nha.
💡Gợi ý bài viết liên quan đến chủ đề hôm nay: Bài viết của Chloe mình đã để trong đoạn đầu tiên.
Mình xem, nghe và đọc gì tuần này?
🎞️ Xem: Không có (khi nào có mình sẽ cập nhật ở phần bình luận).
🎧 Nghe những bản nhạc mình đã đính đường dẫn bên trên.
📖 Đọc: Không có (khi nào có mình sẽ cập nhật ở phần bình luận).
Hẹn gặp bạn vào thứ 6 tuần sau.
Cảm ơn chị Trân đã seeding bài của e cực mạnh ạ 🥰🥰 Vui ghê tìm được người thích bộ phim này với mình.
Em thấy cách c viết vì sao kết thúc của phim làm người xem cảm thấy "đã" rất thú vị. Hơn nữa cách c mô tả về tình cảm giữa Snow và Lucy Gray rất hay và cảm xúc luôn. Bravo chị 👏 🎉